DANH MỤC
Liên kết website 


LIÊN KẾT WEBSITE 





LỊCH THỜI GIAN 
Tháng
Năm 
Thông tin cần biết 
Mã vùng điện thoại
Mã vùng bưu chính
Số ĐT đặc biệt
Mã số ĐT quốc tế
Dự báo thời tiết
Tỷ giá ngoại tệ
Giá vàng
Lịch tàu
Tin chứng khoán
Trực tuyến trên site 

 Khách:
 Thành viên:
 Tổng cộng
 
Khoa học XH&NV
Quan hệ tương tác giữa tri thức dân tộc với tri thức bản địa
16.10.2013 08:49

Xem hình
Ngoài trừ những bí truyền, di sản văn hoá bao giờ cũng là giá trị sáng tạo chung của nhân loại. Với ý nghĩa đó, không thể có một “chủ nghĩa biệt lập” trong sáng tạo, bảo tồn và cả sự thụ hưởng các giá trị văn hoá. Di sản văn hoá của một quốc gia bao giờ cũng là sự tích tụ và hợp luyện các giá trị văn hoá của các vùng miền. Tính đặc thù về văn hoá của mỗi địa phương từng góp phần tạo nên sắc thái văn hoá đa dạng của quốc gia đó. Đọc Dư địa chí của Nguyễn Trãi(1) hay Phủ biên tạp lục(2), Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn đến Lịch triều hiến chương loại chí(3) của Phan Huy Chú… đều thấy hiển hiện lên chiều sâu tri thức, năng lực tích hợp và tư duy phân tích của các bậc trí giả về mối quan hệ chung, riêng của một nền văn hoá chung, thống nhất. Khảo cứu các công trình đó chúng ta cũng thấy, trữ lượng tri thức, văn hoá và đóng góp của các vùng, địa phương đối với văn hoá dân tộc là rất to lớn(4).

Do nằm ở vị trí cầu nối giữa hai thế giới Đông Bắc Á và Đông Nam Á, Việt Nam được coi là một khu vực địa – kinh tế, địa- văn hoá có vị trí hết sức quan trọng. Đây là địa bàn sinh tụ truyền thống của nhiều tộc người đồng thời cũng là điểm đến của nhiều dòng thiên di, đầu mối giao tiếp giữa các nền văn hoá, văn minh khu vực và thế giới(5). Từ một cái nhìn nhân học chúng ta thấy, các quốc gia Đông Nam Á đều là quốc gia đa dân tộc. Do vây, trong diễn trình lịch sử, cùng với tộc người chủ thể, cộng đồng các dân tộc thiểu số cũng từng có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn, tạo dựng các kệnh thông tin, hệ tri thức đa chiều. Trong quá trình đó, khu vực kinh đô, các trung tâm kinh tế, văn hoá, các vùng cảng biển, cửa sông – giao điểm của các tuyến giao thương, và các vùng biên giới… trở thành nơi hội lưu của các nền văn hoá. Nhiều di sản văn hoá của một tộc người (ethnic) đã trở thành vốn văn hoá chung của nhiều dân tộc và toàn thể đất nước.

Điều hiển nhiên là, sức phát triển và phát triển sáng tạo văn hoá của một đất nước không bao giờ là một dòng chảy đơn tuyến. Sự thịnh suy cùng những đặc tính phát triển văn hoá quan trọng đối với đời sống văn hoá và nguồn lực tri thức của các địa phương, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển văn hoá của các địa phương. Trong một quốc gia tập quyền, thống nhất, văn hoá dân tộc nhìn chung có thể đem đến các địa phương những diện mạo chung nhất. Một chủ trương, chính sách, một lệnh dụ của nhà vua, một lời kêu gọi cứu nước, một bộ chính sử, một tác phẩm văn hoá được lưu hành, quảng bá… tất cả đều có nhiều ảnh hưởng và được chia sẻ chung giữa cộng đồng cư dân các vùng, miền. Trên nhiều phương diện, trình độ phát triển, chiều sâu tri thức của một quốc gia đã góp phần nâng cao tầm nhận thức, nguồn vốn tri thức của các địa phương và cộng đồng dân tộc.

Nhìn nhận vấn đề một cách thấu triệt hơn chúng ta thấy, sự phát triển văn hoá, nguồn lực tri thức của một quốc gia luôn phụ thuộc vào khả năng tiếp thu, truyền tải các giá trị tri thức, văn hoá của khu vực và nhân loại. Bên cạnh đó, sự phát triển, đặc tính văn hoá của một quốc gia còn phụ thuộc vào năng lực và tầm nhận thức của tộc người chủ thể cũng như sự tham gia, đóng góp của các dân tộc anh em cùng sống trong quốc gia đó. Hơn thế, sức phát triển văn hoá và nguồn lực tri thức của một dân tộc cũng luôn có mỗi liên hệ vơi mô hình mà nó lựa chọn, với ý thức hệ (tư tưởng, tôn giáo…) mà dân tộc đó theo đuổi. Cuối cùng, sự phát triển văn hoá và nguồn lực tri thức dân tộc còn thể hiện dấu ấn của một triều đại, của dòng họ (hay tập đoàn) nắm giữ quyền lực chính trị trung tâm. Trong lịch sử Việt Nam, trải qua các triều đại Lý (1009-1225), Trần (1226-1400), Lê sơ (1428-1527), Mạc (1527-1593)… đều thể hiện sâu đậm những đặc tính đó. Các triều đại Lý, Trần tuy cùng chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo nhưng khác với triều Lý – luôn thể hiện sự tinh tế, sâu sắc của không gian văn hoá Kinh Bắc, nhà Trần đã đem về kinh đô Thăng Long một tinh thần tự do và chất khoáng đạt của cư dân vùng biển. Khác với chính quyền Lê sơ muốn tìm đến một thiết chế chính trị chặt kiểu Tống nho, nhà Mạc (vốn cũng phát tích từ vùng ven biển) lại chủ trương một thế cuộc Tam giáo đồng nguyên đồng thời theo đuổi chính sách đa nguyên về kinh tế(6). Như vậy, nguồn lực tri thức của một dân tộc vừa có tính xuyên đại vừa mang đậm dấu ấn xã hội, văn hoá của một triều đại.

Từ những thế kỷ đầu sau Công nguyên, các nền văn hoá như cổ như Đông Sơn, Sa Huỳnh (Chămpa), Óc Eo – Phù Nam từng có nhiều mối quan hệ rộng lớn với thế giới bên ngoài, đặc biệt là các tỉnh miền Nam Trung hoa, Ấn Độ và vùng Tây Nam Á. Trong lịch sử, các nền văn hoá đó đã tiếp nhận và phát triển sáng tạo các giá trị văn hoá khu vực cũng như thế giới. Song song với quá trình đó, trong các không gian, vùng và tiểu vùng văn hoá, các cộng đồng dân cư cũng luôn có ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, Tri thức bản địa đồng thời không ngừng tiếp thu các giá trị văn hoá khu vực, thế giới (mà thường là đã được chọn lọc, hợp luyện qua lăng kính văn hoá của nhiều dân tộc), để trở thành những bộ phận hợp thành di sản văn hoá của chính mình(7). Đó chính là quá trình trao đổi chất, tích tụ năng lượng của các nền văn hoá. Vì lẽ sinh tồn, các nền văn hoá luôn có khuynh hướng thâu nạp những cái mới và khác với vốn sống, tri thức, truyền thống của mình. Đó cũng là một trong những đặc trưng văn hoá, thể hiện tư duy năng động, bản lĩnh văn hoá của dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập với khu vực, thế giới. GS. Hà Văn Tấn từng cho rằng: “Trong lịch sử Việt Nam luôn luôn xảy ra quá trình nội sinh hoá các yếu tố ngoại sinh. Quá trình đó cũng chính là sự biến đổi các yếu tố, tái cấu trúc hệ thống và xây dựng mô hình đa trị về giá trị”(8).

Chịu ảnh hưởng sâu sắc của các mối quan hệ, tương tác văn hoá đó chúng ta thấy giữa Tri thức dân tộc với Tri thức bản địa luôn có mối liên hệ mật thiết. Trên một phạm vi rộng lớn hơn, mối liên hệ văn hoá, tri thức giữa dân tộc này với dân tộc khác, đặc biệt là giữa các quốc gia láng giềng khu vực cũng diễn ra một cách thường xuyên. Trong lịch sử, văn hoá Đại Việt từng có nhiều ảnh hưởng tới các nước như Chămpa, Chân Lạp, Ai Lao… nhưng đồng thời cũng tiếp nhận nhiều thành tựu, di sản của các nền văn hoá này(9). Với các nền văn minh lớn hơn, mối quan hệ đó luôn được truyền tải qua nhiều con đường và phương thức. Hệ quả là, những ảnh hưởng của văn hoá phương Nam với sự phát triển của văn hoá phương Bắc đã được nhiều công trình nghiên cứu nói đến(10). Tục cống người hiền tài cũng đã từng được nhiều triều đại phong kiến Trung Hoa thực thi. Đến nay, người ta vẫn nói về kiến trúc sư Nguyễn An (1381-1453) và tài năng của ông trong việc xây dựng Tử Cấm Thành cùng những công trình thủy nông vùng Hoàng Hà. Trên phương diện quân sự, khả năng chế tạo súng Thần cơ, thuyền chiến Cổ Lâu… của Hồ Nguyên Trừng (1374-1446?) đã khiến quân Minh phải khiếp sợ! Trong tác phẩm Vân Đài loại ngữ, Lê Quý Đôn từng dẫn một số nguồn tư liệu Trung Hoa, qua đó chúng ta biết rằng, trong lịch sử những người đứng đầu các triều đại phong kiến phương Bắc đã phải ra lệnh cho các võ tướng, bề tôi của mình học tập kỹ thuật hành binh và vũ khí của quân dân Đại Việt. Dẫn lại từ Tống sử, học giả họ Lê cho biết: “Thái Khánh Duyên là tri châu ở đất Hoạt, thường học được phép tổ chức quân đội của An Nam, xin bắt chước quy chế chia ra từng bộ phận. Chia chính binh, cung tiễu phủ, nhân mã đoàn làm 9 phủ. Hợp trăm đội chia ra làm tả hữu, tiền, hậu, bốn bộ. Mỗi đội có trú chiến (đóng quân để đánh), thác chiến (đi đánh), khác nhau. Tướng nào cũng có lệnh bộ, quân kĩ, khí giới; chỉ lấy nhân, mã phiên binh mà phân biệt. Tất cả đều tuỳ chỗ đóng mà chia, số chư tướng không bằng nửa số chính binh. Còn về sự kiềm chế thì cho quân già yếu ở thành trại, tùy xa gần mà chia giữ, không cho binh Phiên và binh Hán ở lẫn với nhau, cho khỏi sinh biến. Vua Thần Tông (nhà Tống) khen là phải”(11). Nhận xét về nguồn tư liệu ấy, Lê Quý Đôn cho rằng: “Ấy binh pháp của triều Lý (nước ta) được triều Tống (Trung Quốc) bắt chước như thế. Nước ta về triều Lý, phía Bắc phá châu Ung, châu Liêm; phía Nam đánh nước Chiêm, nước Lào; đánh đâu được đấy là vì thế ấy”(12). Dẫn lại sách của Uyên Giám, tác giả cũng cho biết thêm: “Vua Cao Đế nhà Minh đòi các ông Từ Đạt, Lý Văn Trung, Phùng Thắng đến ăn yến, thi bắn, rồi ban cho 50 cái cung của Giao Chỉ, 100 cái Đồng Cung”(13).

Như vậy là, trong lịch sử, ngay cả những đế chế lớn như thế, cũng từng phải tiếp thu nhiều di sản văn hoá và cả nghệ thuật quân sự của Đại Việt cũng như các nước láng giềng khu vực. Nếu có thể mô hình hoá, chúng ta thấy Tri thức bản địa, Tri thức dân tộc và Tri thức khu vực trên thực tế đã trở thành Tam giác trí tuệ trong hành trang văn hoá của dân tộc. Từ thế kỷ XVI- XVII trở đi, trước những ảnh hưởng của phương Tây và quá trình giao lưu văn hoá Đông – Tây, nguồn lực tri thức của các dân tộc phương Đông đã được mở rộng trên bình diện thế giới. Cấu trúc tri thức ba cực truyền thống đã chuyển hoá thành cấu trúc tứ giác trên cơ sở giao thoa, hội nhập với văn minh và tri thức nhân loại. Nhìn nhận cấu trúc đó theo một hướng tư duy khác, chúng ta cũng có thể xác lập mô hình các nguồn lực tri thức như những vòng tròn đồng tâm. Theo đó, Tri thức bản địa nằm ở vị trí trung tâm được bao chứa và chịu ảnh hưởng của các nguồn lực tri thức khác lớn hơn: Dân tộc – Khu vực - Thế giới. Theo các tư duy thứ ba, chúng ta có thể xác lập một (hay một số) mô hình phức hệ. Như đã phân tích ở trên, Tri thức dân tộc được hợp thành bởi nhiều nguồn lực Tri thức bản địa. Đến lượt mình, Tri thức khu vực và Tri thức nhân loại vừa có sự dung chứa, tích hợp vừa có sự đan xen, hoà luyện với những nguồn lực tri thức khác “nhỏ bé” hơn. Tuy nhiên, ở đây có hai điểm đáng lưu ý, trong không ít trường hợp, có một số di sản văn hoá, Tri thức bản địa đặc sắc có thể đồng thời là đại diện tiêu biểu cho các nguồn lực tri thức khác. Mặt khác, nhiều khả năng còn có sự hiện hữu của các nguồn lực tri thức dưới dạng thức tiềm năng mà chúng ta chưa có khả năng nhận thức đầy đủ. Có thể gọi đó là nguồn lực Tri thức tiềm ẩn như tri thức của các sinh thể từ các hành tinh xa xôi hay quyền năng tôn giáo, nguồn lực tri thức kỳ diệu, ẩn tàng lớn lao của con người(14).

Như vậy là, nguồn lực tri thức của một dân tộc có cấu trúc đa tầng, có nhiều mối liên hệ mật thiết và thường có khuynh hướng ngưng kết, đan xen, hợp luyện. Trong cấu trúc đó, Tri thức bản địa hay Tri thức địa phương không chỉ là những bộ phận hợp thành mà còn góp phần làm giàu vốn Tri thức dân tộc. Ngược lại, Tri thức dân tộc cũng luôn có vai trò quan trọng trong việc bổ sung, làm phong phú thêm vốn sống, nguồn lực tri thức của các cộng đồng cư dân bản địa. Nhìn chung, giữa Tri thức bản địa và Tri thức dân tộc luôn có sự hoà hợp nhưng mặt khác cũng luôn phải ý thức rõ ràng về vai trò, vị trí và tính đặc thù của mỗi nguồn lực tri thức. Một quá trình “Bản địa hoá”, “Quốc tế hoá” các nguồn lực tri thức mà không có sự điều tra, phân tích, xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường(15). Đó là những nguồn lực tri thức có sự tương hỗ, bổ trợ trong thực tiễn. Vì thế, vai trò của các nhà nghiên cứu, quản lý là phải nhận thức, đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh và giá trị của các nguồn lực tri thức trong việc hoạch định các chiến lược phát triển. Bên cạnh đó, cũng phải thấy rõ trách nhiệm của các địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư, với tư cách là những chủ thể, trong việc bảo tồn, phát huy sáng tạo các giá trị văn hoá cũng như nguồn lực Tri thức bản địa.

Trên một bình diện rộng lớn hơn, sự giao lưu giữa các nền văn hoá đã và luôn là nhân tố rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong lịch sử, thật khó có thể đưa ra một minh chứng cụ thể về sự phồn vinh của một nền “Văn hoá thuần khiết”. Trái lại, giữa các nền văn hoá luôn có sự liên kết để tạo nên những chuỗi tích luỹ tri thức(16). Ngay cả các nền văn minh lớn, có sức sáng tạo cao, tồn tại hàng ngàn năm, thì sự toả sáng của nó cũng luôn thể hiện những dấu ấn của các nền văn hoá bên ngoài. Trên thực tế, bằng nhiều con đường và phương thức, thông qua hoạt động của con người, văn hoá và nguồn lực tri thức của mỗi dân tộc luôn diễn ra quá trình: tiếp thu, sáng tạo và truyền tải. Quá trình thiên di của các tộc người, quan hệ hôn nhân, giao lưu kinh tế, văn hoá, các mối bang giao và cả các cuộc chiến tranh... tất cả đều là nhân tố thúc đẩy sự giao lưu, tiếp biến văn hoá. Trong một ý nghĩa nào đó, văn hoá luôn mang tính phi biên giới. Do vậy, sự mở rộng, giao lưu văn hoá không chỉ dừng lại trong các cộng đồng dân cư, không gian văn hoá tộc người truyền thống mà còn vượt ra khỏi biên giới của các quốc gia.

Xu thế khu vực hoá, quốc tế hoá đã và đang đem lại nhiều vận hội phát triển cho các quocó gia nhưng cũng đặt ra không ít những câu hỏi lớn cho mỗi dân tộc trong việc lựa chọn chính sách, con đường phát triển và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống. Nguồn lực tri thức (thường được hội tụ trong lực lượng lãnh đạo, giới trí thức tinh hoa) sẽ đem lại sức mạnh, tạo dựng cơ sở lý luận, tư duy lý tính, năng lực phân tích, tầm nhìn rộng lớn, cách thức ứng xử ưu việt nhất cho mỗi dân tộc trước những bước ngoặt của thời đại. Dưới tác động của quá trình toàn cầu hoá, các nền văn hoá không thể tồn tại một cách biệt lập. Nói cách khác, văn hoá và các nguồn lực tri thức vừa đồng hành với sự phát triển chung của dân tộc vừa chịu những tác động và cả sự níu kéo của các nhân tố truyền thống cũng như các tác nhân bên ngoài. Chính vì thế, bản sắc văn hoá, bản lĩnh dân tộc và niềm tin về nguồn lực tri thức dân tộc, về những mục tiêu đạt được trong tương lai... luôn có một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đối với các quốc gia đa dân tộc, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá tộc người vì một nền văn hoá chung thống nhất là một mục tiêu lâu dài nhưng cũng là yếu cầu cấp thiết. Mặc dù luôn có sự thích nghi, biến đổi nhưng văn hoá luôn có mạch nguồn, những mối liên hệ và cấu trúc cốt lõi của nó. Thiếu những nhân tố đó, không những bộ phận hợp thành của cấu trúc đó cũng không thể bảo tồn, phát triển đồng thời có những đóng góp xứng đáng vì sự phồn vinh của dân tộc và nhân loại.

Chú thích:

1. Nguyễn Trãi toàn tập, Tân biên, tập II, Nxb. Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, H., 2001.

2. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, tập I, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1977

3. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, 2 tập, Nxb. Giáo dục, H., 2007.

4. Đóng góp của các địa phương các dân tộc thiểu số cho sự phát triển vă hoá và nguồn lực tri thức của đất nước là rất lớn. Các kết quả nghiên cứu khảo cổ học, nhân học, dân tộc họ, lịch sử, ngôn ngữ... cho thấy rõ điều đó. Theo nhà dân tộc học Từ Chi thì: “Những nét cơ bản của văn hoá đồng bằng sông Hồng từ nông nghiệp đến xây thành đến cơ cấu xã hội đều có tiền đề Thái”. Bên cạnh đó, người ta cũng thấy mối liên hệ vô cùng gần gũi giữa các mô- típ hoa văn Mường với phức hệ trang trí trên trống đồng Đông Sơn và tâm thức văn hoá thời đại Đông Sơn. Do vậy, nghiên cứu văn hoá truyền thống để hiểu người Kinh (Việt), ngược lại nghiên cứu về người Kinh là một trong những chìa khoá để hiểu thêm văn hoá truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc. Nói cách khác, muốn hiểu thấu đáo văn hoá của người Việt, chúng ta không thể không nghiên cứu các không gian, môi trường văn hoá khác nhau trong mối liên hệ vùng, liên vùng trong diễn trình lịch sử, văn hoá dân tộc. Xem Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hoá tộc người, Nxb. Văn hoá Dân tộc - Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, H., 2003, tr.638 và Trần Từ, Hoa văn Mường, Nxb. Văn hoá Dân tộc, H., 1978.

5. Nguyễn Đình Khoa, Nhân chủng học Đông Nam Á, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H., 1983; Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: Về Lịch sử Đông Nam Á thời cổ, H., 1983; Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, Đông Á – Đông Nam Á: Những vấn đề lịch sử và hiện tại, Nxb. Thế giới, H., 2004; Vũ Dương Ninh (Cb), Đông Nam Á - Truyền thống và hội nhập, Nxb. Thế giới, H., 2007.

6. Nguyễn Quang Ngọc (Cb), Vương Triều Lý (1009-1226), Nxb. Hà Nội, H., 2010; Viện Sử học - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Nhà Trần và con người thời Trần; Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu Lịch sử và Văn hoá Việt Nam, H., 2004; Tống Trung Tín, Nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Lý và thời Trần (thế kỷ XI-XIV), Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1997; Hội KHLSVN, Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc, Hội sử học Hải PHòng, 2000; Nguyễn Văn Kim, Kinh tế công thương thời Mạc, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 12 (416), 2010, tr.3-18.

7. John K. Fairbnk – Edwin O.Reishauer – Albert M. Craig, East Asia – Tradition and Transforma-tion, Harvard University, 1973; Vic-tor Lieberman, Strange Parallels – Southeast Asia in Global Context, C.800-1830, Cambridge University Press, 2003; Léopold Sédar Senghor, Đối thoại giữa các nền văn hoá, Nxb. Thế giới, H.,2007.

8. Hà Văn Tấn, Đến với lịch sử văn hoá Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn, H., 2005, tr.53.

9. Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hoá Dân tộc -Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, H., 2000; Phạm Xuân Hằng (Cb.), Hoạt động đối ngoại trên đất Thăng Long – Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 2010; Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội, Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc phục vụ phát triển bền vững, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế, H., 2010.

10. Phan Huy Lê, Lịch sử và văn hoá Việt Nam - Tiếp cận bộ phận, Nxb. Giáo dục, H.,2007; Nguyễn Tài Thư (Cb.), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1993; Hà Văn Tấn, Theo dấu các văn hoá cổ, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1997...

11. Lê Qúy Đôn, Vân Đài loại ngữ, tập II, Sđd, tr.231-232

12. Lê Qúy Đôn, Vân Đài loại ngữ, tập II, Sđd, tr.232

13. Lê Qúy Đôn, Vân Đài loại ngữ, tập II, Sđd, tr.142. “Đồng Cung” tức là loại cung sơn màu đỏ, mà hoàng đế nhà Minh dùng để ban cho những chư hầu có công.

14. Carl Gustav Jung, Thăm dò tiềm thức, (Vũ Đình Lưu dịch), Nxb. Tri thức, H., 20007. Có thể tham khảo thêm một số chuyên luận của Sigmund Frued, Vạn vật hữu linh, ma thuật và quyền năng tối thượng của tư duy; Bronislaw Malinowski, Ma thuật, khoa học và tôn giáo; Clifford Geertz, Tôn giáo như một hệ thống văn hoá... trong: Hội KHLSVN, Những vấn đề nhân học tôn giáo, tạp chí Xưa&Nay – Nxb. Đà Nẵng, 2006.

15. Mặc dù đã chứng tỏ được giá trị trong rất nhiều trường hợp song Tri thức bản địa không thể hay không nên được quảng bá khi chưa có những kết quả khảo cứu, đánh giá cụ thể. Bởi lẽ, không phải tất cả các Tri thức bản địa đều có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu, bền vững cho các kế hoạch phát triển hiện nay. Thêm vào đó, hầu hết các giải pháp mang tính địa phương nhìn chung đều chỉ phù hợp trong từng bối cảnh và điều kiện cụ thể. Việc tách Tri thức bản địa ra khỏi môi trường hình thành của nó cũng như “Toàn cầu hoá” nguồn tri thức đó sẽ dẫn đến sai lầm. Tham khảo http://www.thiennhien.net.news/articles; Kiến thức bản địa, Nguyễn Hương Giang dịch: SciDev.Net.

16. Lévi-Strauss, Chủng tộc và lịch sử, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, H., 1996, tr.80.



(Theo vusta.vn)



Gửi qua YM

 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email





Gửi tin
Lên đầu trang
Văn bản mới 
LIÊN KẾT CÁC HỘI 
Bản quyền: LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH QUẢNG BÌNH
Địa chỉ: Đường Đỗ Nhuận - TP. Đồng Hới - tỉnh Quảng Bình
Điện thoại: 0232.3851031
Website: lienhiephoi.vn - Email: lienhiephoi.qb@gmail.com